Quả na có vị ngon ngọt, bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn.
Quả na (còn được gọi là quả mãng cầu ta) là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ châu Mỹ. Hiện nay, cây na được trồng khá nhiều ở Việt Nam. Quả na có hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người yêu thích.
Lợi ích của quả na đối với sức khỏe
– Tốt cho thị lực
Na cung cấp nhiều vitamin A, vitamin C tốt cho sức khỏe của mắt. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin B2, ribflavin có tác dụng chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa các vấn đề về thị lực, giúp mắt sáng, khỏe mạnh.
– Cải thiện tiêu hóa
Na cung cáp nhiều chất xơ, giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn ngừa chứng khó tiêu, táo bón.
– Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Na chứa nhiều dưỡng chất, cung cấp năng lượng cho các hoạt động cho cơ thể. Đặc biệt, lượng kali dồi dào trong quả na giúp ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi, suy yếu của cơ bắp bằng cách cải thiện khả năng cung cấp máu.
Quả na có hương vị ngon ngọt, cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
– Tốt cho phụ nữ mang thai
Na là loại trái cây giúp ngăn ngừa ốm nghén và các cơn tê toàn thân, cải thiện tâm trạng cho bà bầu. Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của thai nhi, giúp hệ thần kinh, não bộ và hệ miễn dịch của bé phát triển.
– Tốt cho da và răng
Na có chứa lượng vitamin A, giúp cân bằng độ ẩm và ngăn ngừa lão hóa da. Ngoài ra, na còn được coi là một biện pháp tự nhiên có tác dụng trị mụn nhọn, vết loét trên da.
Phần vỏ có có thể được dùng để trị sâu răng, ngừa viêm nướu.
Ai không nên ăn quả na?
Quả na có hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn.
– Người bị bệnh tiểu đường
Na có hương vị ngon ngọt, chứa hàm lượng đường cao, không phải là loại trái cây thích hợp đối với người bị tiểu đường. Phụ nữ mang thai cũng cần phải chú ý khi ăn loại quả này, nhất là những người bị tiểu đường thai kỳ.
– Người thừa cân, béo phì
Na chứa nhiều đường, cung cấp nhiều năng lượng nên đây không phải loại trái cây phù hợp với người thừa cân, béo phì. Ăn một quả na khoảng 200-250 gram cũng tương đương với lượng năng lượng nhận được từ 1 bát cơm. Vì vậy, ăn nhiều na cũng có thể gây tăng cân.
Quả na mang lại một số lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn loại quả này.
– Người bị suy thận
Na là loại trái cây chứa nhiều kali nên không phù hợp với người bị suy thận. Người mắc bệnh này nếu ăn nhiều na có thể khiến chức năng thận càng suy giảm nghiêm trọng hơn, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Một số lưu ý khi ăn na
– Cẩn thận với giòi
Na là loại trái cây có vị ngọt hấp dẫn nên rất dễ bị các loại sâu bọ, giòi tấn công. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, na chín kỹ, vỏ có các vết nứt thì nên cẩn thận. Côn trùng có thể để trứng vào quả na và sinh ra giòi… gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người ăn.
– Không căn vỡ hạt na
Hạt na có độc tố cao, được dùng để làm thuốc chữa bệnh nhưng cần có sự kiểm soát kỹ về liều lượng. Khi ăn na, bạn cần thận trọng để tránh cắn vỡ hạt na. Độc tố bên trong hạt na có thể gây ra ngộ độc cho người ăn phải. Nếu chỉ vô tình nuốt phải hạt na còn nguyên vẹn thì không cần lo lắng. Lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài sẽ ngăn không cho độc tố bên trong phát huy tác dụng.
– Không ăn quá nhiều na
Na có chứa nhiều dinh dưỡng nhưng không nên ăn nhiều. Ăn nhiều na có thể gây ra tình trạng nóng trong người, nổi mụn, rôm sảy, táo bón.