Thấy mẹ vợ lên chơi, con rể tươi cười ra đón rồi đi nấu ăn nhưng nhìn mâm cơm anh bưng lên, tôi chỉ muốn lật bàn đổ hết.
Thấy chồng đon đả đón mẹ vợ rồi còn chủ động đề nghị được nấu ăn, tôi khá bất ngờ. Nhưng khi thấy mâm cơm anh bưng lên, tôi giận đến mức đưa mẹ đi ăn nhà hàng ngay và luôn.
Chồng tôi là kiểu người đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Anh có một cuốn sổ đen, dày để ghi chép chi tiêu từng ngày một. Anh nói rằng đó là cách để quản lí chi tiêu tốt nhất, tránh vung tay quá trán. Anh chỉ mua những thứ cần thiết cho đời sống, còn lại, anh đều tận dụng những thứ đã cũ. Thứ gì còn dùng được mà chồng tôi đem vứt đi thì đúng là sấm sét giữa trời quang, dù thứ đó đã rất cũ kĩ và lỗi thời.
Quần áo anh mặc đi mặc lại đến mức ố vàng, rách cả vùng cổ, tay áo. Giày thì chỉ có một đôi duy nhất để vừa đi làm vừa đi chơi đi tiệc. Tôi mua tặng thêm một đôi mới vào ngày sinh nhật anh thì hôm sau đã biến mất. Hỏi thì chồng hờ hững đáp đã thanh lí rồi vì phí tiền. Tôi giận sôi người, quyết định không bao giờ mua quà tặng chồng nữa. Thậm chí quần lót anh mặc đến mức rách rưới không dùng được nữa anh mới đem vứt đi.
Về chuyện ăn uống cũng rất kĩ, tính toán mỗi ngày chỉ ăn trong 100 nghìn, không được phép hơn, chỉ được thừa tiền. Vì những chuyện nhỏ nhặt này mà chúng tôi cãi nhau như cơm bữa.
Tôi thất vọng và đang hoang mang không biết có nên tiếp tục cuộc hôn nhân với gã chồng keo kiệt bủn xỉn không? (Ảnh minh họa)Mới đây, mẹ tôi từ quê lên, đem cho vợ chồng con gái nào gà đã làm sạch sẽ, rau củ sạch tự trồng, trứng gà. Thấy mẹ tay xách nách mang giữa thời tiết lạnh giá mà tôi xót xa. Chồng tôi đon đả ra tiếp rồi chủ động nấu ăn để mẹ con tôi ngồi tâm sự.
Đến khi anh bưng mâm cơm ra, tôi giật mình và giận tím mặt khi thấy trên mâm cơm chỉ có mỗi hai con cá rán, bát trứng luộc dầm mắm với đĩa rau luộc, chẳng hề có tí thịt nào. Tôi hỏi vì sao anh không lấy luôn gà mẹ mang lên mà nấu thì anh nói mẹ ở quê ăn gà nhiều rồi, nay đổi bữa ăn rau là tốt nhất.
Chồng nói như thể mẹ tôi ở quê có điều kiện lắm vậy. Dù bà ở quê có ăn gà ăn thịt nhiều đi chăng nữa, khi lên chơi với con cái cũng phải có mâm cơm tươm tất chứ.
Mẹ tôi sợ chúng tôi cãi nhau nên vội vàng xới cơm. Tôi thì không nuốt nổi cơn tức này nên dắt mẹ đi thẳng ra nhà hàng gần nhà, ăn một bữa lẩu ngon lành. Chồng tôi nhắn tin, mắng tôi tiêu xài hoang phí tôi cũng mặc. Cả năm mẹ mới lên một lần, vậy mà anh còn tính toán như thế nữa? Tôi thất vọng và đang hoang mang không biết có nên phải làm gì với gã chồng keo kiệt bủn xỉn không?