Hướng về người dân vùng lũ Làng Nủ có hàng vạn tấm lòng vàng. Mỗi người một việc, một hành động cùng góp sức với người dân nơi đây vượt qua khó khăn, mất mát.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.
Mỗi kỷ vật là một niềm đau
Cô Hoàng Thị Nự là người Tày gốc ở Làng Nủ, lớp ghép 4, 5 tuổi do cô phụ trách có 28 học sinh thì 5 em đã mãi mãi ra đi theo dòng lũ dữ. Hôm ấy do ảnh hưởng của mưa lũ nên nhà trường cho học sinh nghỉ học ở nhà theo chỉ đạo chung. Buổi sáng trời mưa to, biết tin có vụ sạt lở đất gây thương vong, nhưng cô Nự cũng không hình dung được trận lũ quét lại kinh hoàng đến thế.
Ngôi làng nơi có 37 hộ sinh sống cách không xa nơi gia đình cô ở nên những hộ trong ấy cô rõ như lòng bàn tay. Cô Nự cũng có 4 người thân bị lũ cuốn trôi đến nay vẫn chưa tìm thấy hết. Nhìn cảnh tan hoang như bình địa, cô Nụ không dám tin vào mắt mình. Sau phút định thần, cô cùng một số người dân đi dọc ven suối với cơ may tìm thêm được những người bị thương.
Câu chuyện đau thương ở Điểm trường Làng Nủ sẽ ám ảnh nhiều thế hệ.
Mấy hôm nay, Điểm trường Mầm non Làng Nủ được trưng dụng làm nơi ở của một đơn vị bộ đội làm công tác tìm kiếm cứu nạn nên chiều nào các anh về cô cũng hỏi thăm tình hình. “Nghe tin mỗi thi thể trẻ nhỏ được tìm thấy cũng mừng cho gia đình khi nỗi đau thương được giảm bớt nhưng nỗi buồn lại như vô tận bởi những hy vọng về một điều may mắn đã không đến, các em nhỏ thân yêu đã mãi mãi ra đi” – nói đến đây, nước mắt cô lại trào ra.
Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, cô Hoàng Thị Nự lên trường để dọn dẹp, chuẩn bị cho ngày học sinh đi học trở lại. Những đứa trẻ nhà ở gần trường thấy cô giáo đến chúng cũng lên lớp theo mà chưa hề biết ngày mai trên lớp học này lũ bạn cùng trang lứa hằng ngày vẫn đuổi bắt, nô đùa cùng nhau đã đi về một nơi rất xa.
Những di vật của học sinh.
Tay run run sắp lại tập hồ sơ, đồ dùng học tập, vật dụng sinh hoạt của những học trò nhỏ, trong đó có những em xấu số ở Làng Nủ, cô Hoàng Thị Nự đọc tên từng em mà lòng đau thắt. Cô bảo sau trận lũ này có lẽ đây cũng là những di vật cuối cùng của các em.
Rồi đây trường học sẽ mở cửa trở lại, nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ mai sau cho Làng Nủ vẫn phải tiếp tục nhưng trong trang sử của nhà trường sẽ có một phần đau thương mà nhiều thế hệ sau sẽ vẫn còn nhắc đến.
Nén đau riêng vì việc chung
Suốt mấy ngày qua, anh Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đôn đáo ngược xuôi, như bơi trong công việc. Cứ như vậy tất tả suốt cả ngày, hết tham gia tìm kiếm nạn nhân, xác định danh tính nạn nhân, rà soát người trở về đưa ra khỏi danh sách cho là mất tích đến tổng hợp mức độ thiệt hại của các hộ để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đến ủng hộ; lo chỗ ăn ở cho các lực lượng tham gia cứu nạn… Đêm đến, khi mọi người xong xuôi hết nhiệm vụ, anh lại thầm lặng dọn vệ sinh nhà văn hóa thôn, nơi Sở Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp.
Trong khi gia đình anh cũng có người thân gặp nạn là em trai, em dâu và người cháu. Vừa cùng với gia đình lo hậu sự cho em và cháu, anh Diệp lại nén đau thương để lo việc chung cho thôn, cho các hộ gặp nạn. Anh Diệp bảo, thương gia đình em trai nhưng cũng không thể khóc được nữa vì đã khóc cạn nước mắt rồi.
Không buồn, không thương sao được khi chỉ trong chốc lát 37 nóc nhà bị bùn đất nuốt chửng, xóa sổ hoàn toàn. Những người hàng xóm, họ hàng thân thích sớm tối có nhau nay bỗng chốc ra đi để lại niềm tiếc thương cho người ở lại. Với anh Diệp còn là công sức mười mấy năm vận động bà con vươn lên trong sản xuất, thoát nghèo.
Đến ngày thứ ba cuộc tìm kiếm, khắc phục hậu quả cơn lũ, chân anh đã tập tễnh vì đi lại quá nhiều.
Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp cùng lực lượng chức năng xác định số lượng nạn nhân được cho là mất tích trong vụ sạt lở đất tại Làng Nủ.
Những ngày tới, dù sẽ còn đối mặt không ít khó khăn, nhưng tinh thần của người “đứng mũi chịu sào” thôn Làng Nủ sẽ luôn vững vàng. Anh Diệp khẳng định: “Dù có như thế nào, dù có khó khăn hơn nữa sẽ luôn sẵn sàng vì thôn, vì người dân, đồng hành cùng mọi người vượt qua nỗi đau thương chưa từng có này để xây dựng cuộc sống mới”.
Nhiều việc làm nhân lên tình người và niềm tin
Ngay sau Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, ngôi nhà sàn của gia đình ông Hoàng Văn Vạn trở thành nơi nghỉ trưa của bộ đội tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích mấy ngày qua.
Bộ đội sử dụng nguồn nước giếng nhà ông Vạn trong sinh hoạt.
Hằng ngày, sau giờ làm việc buổi sáng, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 lại tập kết ở nhà ông Vạn để tắm giặt, ăn uống và nghỉ ngơi. Thượng úy Hồ Đình Tứ, Phó đại đội trưởng Đại đội 7 cho hay: Chúng tôi ở đây cần gì gia đình đều hỗ trợ và tạo điều kiện hết mức có thể.
Lực lượng dân quân thu dọn đồ đạc, vật dụng còn sót lại sau cơn lũ.
Năm nay 61 tuổi, ông Vạn cho biết, trước đây nhà ở phía dưới gần suối nhưng đã từng bị ngập lụt nên di chuyển lên vị trí hiện nay. Trận lũ quét kinh hoàng diễn ra sáng 10/9 gia đình ông may mắn không ai bị sao, nhưng có 5 người thân gặp nạn. Ông bảo, bộ đội về giúp dân tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả thiên tai, mình là người dân cũng phải quan tâm tạo mọi điều kiện có thể để giúp lại bộ đội có chỗ ăn nghỉ, nước tắm giặt đầy đủ, giữ gìn sức khỏe tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Người dân trong thôn tham gia tìm kiếm nạn nhân.
Sau lũ, nguồn nước sạch ở khu vực Nhà văn hóa thôn Làng Nủ trở nên khan hiếm, trong khi có hàng trăm người thuộc các lực lượng khác nhau đến giúp khắc phục hậu quả nhu cầu nước sạch trở nên cấp thiết. Nhất là những chiến sĩ bộ đội, công an, biên phòng hằng ngày dầm mình trong bùn đất tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Nếu không có nguồn nước giếng của gia đình ông Vạn và nhiều hộ khác chắc chắn mọi sinh hoạt sẽ rất khó khăn.
Chị Yến nấu cơm phục vụ người dân trong thôn tham gia tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp (ảnh: Quang Công).
Nhà chị Nguyễn Thị Yến ở ngay phía ngoài dẫn vào khu vực sạt lở. Hằng ngày, ngoài thời gian đi hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân chị còn tranh thủ về nấu cơm cho anh em, họ hàng tham gia tìm kiếm người thân trong dòng tộc và nấu cơm cho lực lượng phục vụ công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả thiên tai. Mặc dù điều kiện gia đình không dư dả là mấy nhưng mỗi ngày chị Yến đều nấu khoảng 20 suất cơm phục vụ các lực lượng. Chị bảo, mọi người từ nơi khác đến giúp thôn bản chúng tôi, chúng tôi cũng phải đáp lại tình cảm đó, dù chỉ là việc làm nhỏ. Đây cũng là tấm lòng, là lời cảm ơn của dân làng chúng tôi.
Bộ đội dầm mình trong bùn tìm nạn nhân.
Không chỉ gia đình ông Vạn, gia đình chị Yến mà ở Làng Nủ những ngày qua rất nhiều câu chuyện đẹp, đó là những tấm lòng của các nhà hảo tâm vượt vài trăm cây số đến tận nơi hỗ trợ tiền, hàng cho các hộ thiệt hại; là câu chuyện của các chiến sĩ dân quân từ các xã, thị trấn lân cận sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả mưa lũ ở địa phương mình lại đến giúp dân Làng Nủ và rất nhiều tấm lòng nghĩa tình khác thật đáng trân trọng.
Các tổ chức, nhà hảo tâm đến hỗ trợ người dân Làng Nủ.
Giữa vùng lũ Làng Nủ, mỗi người đến và mỗi người dân nơi đây là một câu chuyện, bằng những việc làm nhỏ bé của mình cùng chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, nhân lên tình người trong lúc hoạn nạn. Vì thế những việc làm tốt, hành động đẹp tiếp tục lan tỏa, thắp lên niềm tin về tình làng nghĩa xóm, về lương tri và trách nhiệm.