Cháo là một món ăn ngon, bổ dưỡng, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, để nấu được bát cháo thơm ngon mà không mất quá nhiều thời gian cũng cần có bí quyết.
Đối với người Việt Nam cháo là một món ăn vô cùng quen thuộc. Chúng ta vẫn dùng cháo làm món ăn sáng, ăn khuya, là món giải cảm hay nấu cho người mới ốm dậy.
Có rất nhiều món cháo ngon khác nhau với công thức khác nhau. Chẳng hạn như cháo thịt băm, cháo ấu tẩu, cháo gà hay cháo trắng, cháo đậu đen, đậu xanh,… Nhưng dù kết hợp với loại nguyên liệu nào đi nữa thì yêu cầu của một bát cháo thơm ngon vẫn là hạt gạo mềm nhừ, không quá đặc cũng không quá loãng.
Thường thì khi nấu nhiều người sẽ cho gạo trực tiếp vào nồi, thêm nước rồi đem đi nấu. Thế nhưng cách làm này sẽ khiến thời gian cháo chín nhừ lâu hơn, đồng thời nồi cháo dễ bị bén đáy. Chưa kể, nấu như vậy tốn thời gian, công sức của người nấu.
Vậy làm thế nào để nấu được một nồi cháo ngon trong vòng 20 phút? Theo chia sẻ của đầu bếp lâu năm, có 5 điều mà khi nấu cháo bạn cần nhớ kỹ, làm tốt thì cháo ngon “hết nước chấm” mà không tốn quá nhiều thời gian.
Ngâm gạo
Nấu cháo muốn nhanh nhừ thì bước đầu tiên phải làm chính là ngâm gạo. Đầu tiên bạn vo gạo thật sạch rồi cho vào bát ngâm khoảng 60 phút. Làm như vậy sẽ giúp gạo hút no nước, hạt gạo mềm và khi nấu cũng nhanh nhừ hơn. Bạn lưu ý một điều là không nên vo gạo quá kỹ dễ khiến các chất dinh dưỡng bị trôi đi.
Tỷ lệ nước gạo hợp lýKhi nấu cháo, tỉ lệ nước gạo rất quan trọng. Tỉ lệ 1:7, có nghĩa là 1 phần gạo, 7 phần nước được áp dụng nhiều nhất. Cho quá nhiều nước sẽ khiến cháo loãng, ăn không ngon. Nhưng nếu cho ít nước quá cháo sẽ đặc, ăn giống cơm nát hơn.
Dùng mỡ lợn
Đây chính là bí quyết giúp cháo nhanh nhừ và thơm ngậy. Khi nấu cháo bạn nên cho thêm 1 thìa mỡ lợn vào. Đừng sợ ngấy bởi vì mỡ lợn giúp cho cháo đặc và thơm ngon hơn. Bên cạnh đó, mỡ lợn còn đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe như cải thiện chức năng tim mạch, tốt cho cơ bắp, duy trì sức khỏe cho hệ hô hấp,…
Nấu cháo bằng nước nóng
Hầu hết mọi người khi nấu cháo đều cho gạo vào từ khi nước lạnh nhưng cách làm đúng phải là đun nước nóng khoảng 70 độ C mới thêm gạo.
Sự chênh lệch nhiệt độ sẽ tạo ra áp suất tác động khiến bề mặt hạt gạo hình thành những vết nứt li ti. Cách này giúp gạo nhanh chín và khi cháo sôi cũng không gây dính đáy. Bên cạnh đó, nấu cháo bằng nước nóng cũng giúp tiết kiệm thời gian hơn so với nước lạnh, từ đó tiết kiệm gas, điện hiệu quả.
Khuấy cháo
Bước cuối cùng là khi cháo sôi bạn nhớ khuấy cháo theo 1 chiều trong vòng 3 phút thì đậy vung lại. Đun khoảng 20 phút thì bạn mở nắp ra và khuấy tiếp 1 lần nữa. Nếu thấy cháo nhuyễn nhừ thì có thể tắt bếp. Khuấy đúng cách sẽ giúp cháo mềm, nhừ, thơm ngon hơn.