Hàng thủ đội tuyển Việt Nam tổn thất khi Duy Mạnh chấn thương, buộc HLV Troussier phải tìm giải pháp vá víu.
Chấn thương của Duy Mạnh ngay trước đợt tập trung đội tuyển Việt Nam có thể xem như “vận hạn” của HLV Philippe Troussier. Khi chiến lược gia người Pháp còn đang định hình đội tuyển, lần lượt các trụ cột như Văn Hậu, Quang Hải đã gặp vấn đề, trước khi Duy Mạnh gia nhập danh sách vắng mặt.
Từ khi HLV Troussier tiếp quản ghế huấn luyện đội tuyển Việt Nam, Duy Mạnh là một trong những cầu thủ được sử dụng nhiều nhất. Anh đá trọn 5 trong 6 trận giao hữu, được “đo ni đóng giày” ở vị trí trung vệ lệch phải.
Thiếu vắng Văn Hậu và Quang Hải, sức mạnh đội tuyển Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?
Khả năng chuyền bóng, bọc lót và tranh chấp xông xáo của Duy Mạnh giúp trung vệ 27 tuổi được HLV người Pháp tin tưởng. Hai vị trí còn lại trong bộ ba trung vệ gồm Ngọc Hải và Tuấn Tài. Khi Duy Mạnh chấn thương, ông Troussier đã gọi Tiến Dũng, trung vệ chưa từng được ông trọng dụng trước đây, lên đội tuyển thế chỗ.
Dưới thời HLV Troussier, đội tuyển Việt Nam vẫn duy trì 3 trung vệ. Khi gặp đối thủ dưới cơ, sơ đồ 3-4-3 với 2 cầu thủ chạy cánh dâng cao được sử dụng. Còn gặp đối thủ mạnh, 2 cầu thủ đá biên sẽ lùi xuống chơi như hậu vệ cánh, tạo thành sơ đồ 5-4-1 hoặc 5-3-2.
Tuy nhiên, nguyên tắc vận hành hai hàng thủ nói trên không giống nhau. Nếu thời HLV Park Hang-seo, các trung vệ tập trung vào khâu phòng ngự, bọc lót, tranh chấp, thi thoảng dâng cao để chuyền vượt tuyến hỗ trợ tiền đạo, thì các trung vệ thời HLV Troussier phải tham gia khâu triển khai bóng.
Chất lượng đường chuyền ở tuyến dưới được “Phù thủy trắng” đặc biệt chú trọng, khi trong các buổi tập, ông yêu cầu học trò đứng thành nhóm 5 hoặc 6 người thành vòng tròn, để các cầu thủ chuyền bóng, di chuyển nhận bóng rồi lại chuyền tuần tự trong vòng tròn ấy.
Các trung vệ của ông Troussier được yêu cầu đứng gần nhau và gần các tiền vệ để tạo thành các tam giác phối hợp đập nhả, nhằm phá vỡ lớp pressing, khiến đội hình đối thủ bị xô lệch. Triết lý của HLV Troussier được thể hiện ở những trận gặp Uzbekistan hay Hàn Quốc, dù đánh mất thế trận, những các hậu vệ vẫn kiên nhẫn chuyền ngắn, triển khai tấn công ở sân nhà.
HLV Troussier cũng ưu tiên các trung vệ giỏi chuyền bóng, đó là lý do Tuấn Tài, cầu thủ vốn chưa từng đá trung vệ ở cấp CLB, lại được kéo vào bộ ba hàng thủ và đá chính liên tục, thay cho những trung vệ “cứng” như Việt Anh, Thanh Bình hay Tiến Dũng. Tần suất ra sân của Tuấn Tài vượt trội đàn anh, và cách dùng người của ông Troussier cho thấy cầu thủ của CLB Viettel nhiều khả năng có một suất chính thức ở vị trí trung vệ lệch trái.
Tuy nhiên, điểm cốt lõi để đánh giá năng lực hàng phòng ngự chưa bao giờ là khả năng triển khai bóng, mà trước tiên phải là ngăn chặn đối thủ ghi bàn. Chưa bàn đến hiệu quả triển khai tấn công, nhưng ở khía cạnh phòng ngự, hàng thủ đội tuyển Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề.
Từ khả năng phán đoán tình huống, kèm người, bọc lót cho đến phối hợp, các hậu vệ chưa đáp ứng yêu cầu. Rất nhiều sai lầm lộ ra khi học trò của HLV Troussier gặp những đội dưới cơ như Hồng Kông hay Palestine, nhưng đối thủ dứt điểm kém nên thoát thua.