Rau tập tàng Nói chung là “cả chục” loại rau dại mọc khắp nơi trong vườn quê, đồng ruộng, gò bãi ven sông, dưới lòng mương máng. Do đó, rau tập tàng còn được gọi là rau vặt, rau thập cẩm… Về tên gọi, có những giải thích khác nhau: (1) “Tập tàng” là hỗn hợp, lẫn lộn nhiều thứ vốn có giá trị không đáng kể vào nhau. (2) Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường thì chữ “tàng” thuộc bộ thảo, là cỏ hoang, một cách nôm na tên gọi “tập tàng” tập hợp nhiều loại rau cỏ. (3) Theo đa số các bà nội trợ người Huế lớn tuổi ngày xưa, từ “tập tàng” là nói trại của “thập toàn” (mười món rau toàn diện) như kiểu chè “thập cẩm” (mười món chè quý giá). Có hai cách chế biến rau tập tàng quen thuộc: Rau tập tàng luộc Ăn rau tập tàng phải có nước chấm ớt tỏi giã nhuyễn chế biến từ mắm nước hay mắm cái là tùy sở thích mỗi người. Nhưng thứ nước chấm đúng điệu của rau tập tàng phải là mắm mày mạy. Hai cái thứ hoang dã, tự nhiên này tương thích với nhau một cách lạ kỳ. Rau tập tàng có cái ngọt ngọt của thài lài, đọt dâu, rau dền, rau diệu, cái chua chua của rau sam, cái bùi bùi, nhẫn nhẫn của bồ hôi, lá võng, có vị the the, đắng đắng của rau xưng, mè đất… cộng hưởng với mùi thơm ngan ngát của bồ hôi. Mỗi thứ rau sở hữu trong mình một mùi, một vị riêng, làm nên sự tổng hòa đến khó tả. Cái tổng hòa ấy đem chấm vào mắm mày mạy vừa nồng nồng, cay cay, vừa thơm ngầy ngật, vừa béo, bùi, ngọt, mặn.
Món canh tập tàng – Ảnh: T.B.T. Canh rau tập tàng Ở đây cách nấu đóng vai trò quan trọng. Vì tập tàng là tập hợp nhiều loại rau khác nhau, người nấu phải biết loại nào chín nhanh, loại nào lâu chín để chọn đúng thời điểm cho vào nồi, khi nấu xong nước và rau chín đều, hòa quyện. Cách nấu không có gì phức tạp. Các loại rau rửa sạch, để ráo nước. Tôm, tép, cua đồng vừa bắt về đem rửa sạch, bóc vỏ, ướp với nước mắm, hành, tiêu cho thấm. Phi thơm hành, cho một ít ớt vào cho có màu, sau đó cho tôm đã ướp thấm vào xào đảo (tao) qua, tiếp đến thêm một ít nước ruốc (mắm ruốc ủ chín lâu ngày, lấy ra một ít cho vào bát, đổ nước lã vào đánh tan, lọc lấy nước, chừa cặn lại) đổ vô xào độ hai hoặc ba phút, rồi cho thêm nước lạnh vào tùy theo lượng rau, đun sôi đều với lửa vừa phải để tránh nước sôi ở độ cao quá sẽ làm nước đục. Nước sôi, cho lần lượt các loại rau vào tùy theo độ mềm của rau: trước tiên là bồ ngót, tiếp đến có thể là rau lang, rau má, mồng tơi, mã đề… Khi các loại rau trên vừa chín tới thì cho tiếp lá lốt, rau sam, ngò tàu… trộn nhẹ để tất cả loại rau đều vừa chín tới. Canh rau tập tàng có thể ăn nóng hay nguội với cơm, thịt kho, mắm kho quẹt rất hợp khẩu vị, nếu có thêm tí “cay” thì không gì bằng. Thực phẩm “chức năng” chính hiệu Phân tích thành phần dinh dưỡng của các loại rau tập tàng thấy có chứa rất nhiều vitamin như A, C, E, canxi, chất xơ… giúp cho cơ thể bài trừ được lượng mỡ thừa, hạn chế khả năng tích tụ mỡ, cân bằng trọng lượng cho cơ thể. Do đó, ăn rau tập tàng vô tình chúng ta bổ sung nhóm thức ăn thứ tư trong 4 ô vuông thức ăn là chất bột đường, chất béo, chất đạm, muối khoáng, xơ và vitamin, một cách hợp lý vào khẩu phần ăn.