Bánh gio (bánh tro) là thứ bánh làm từ gạo nếp và gio, thứ bánh này tuy dân dã nhưng lại tốt cho sức khỏe, dưới đây là tác dụng của bánh tro với sức khỏe.
Bánh tro (bánh gio) từ lâu đã trở thành đặc sản ẩm thực dân dã mà độc đáo. Nguyên liệu để làm bánh tro rất đơn giản, gồm: gạo nếp, nước tro của những sợi rơm nếp sạch, chút vôi, lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Tất cả đều là những sản phẩm nông nghiệp rất giản dị, thân thuộc do người nông dân sản xuất ra.
Bánh tro nấu đạt yêu cầu thì khi mở ra, nếp không còn ở dạng hột mà cả cái bánh trở thành một khối bột trong, mịn chắc như một khối thạch, không nồng vôi tro. Bánh mềm mại vị nhạt tính mát, thiên về âm, có màu từ nhạt đến nâu sẫm phụ thuộc loại nước tro sử dụng. Bánh là món ăn mát lành, chống ngấy rất tốt.
Khi thưởng thức bánh thường được chấm với đường cát trắng, đường thẻ, mật ong nhưng phổ biến nhất và ngon nhất là chấm với mật mía cô đặc thoảng hương vị của gừng băm vụn.
Ngày nay, bánh tro có thể ăn quanh năm nhưng nhất là vào dịp Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán hay đơn giản là ngày hội làng, trong bữa cơm mời khách, người ta thường có đĩa bánh tro thơm mát dùng làm món tráng miệng.
Tác dụng của bánh tro với sức khỏe
Bài viết của Lương y Phó Thuần Hương trên Báo Sức Khỏe & Đời Sống chỉ ra những tác dụng của bánh tro như sau:
Trong Đông y: Bánh tro vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp nhất đối với trường hợp già yếu, trẻ em, có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư), những trường hợp dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan ngọ (đoan dương – chính dương) thường gây ôn dịch thương âm.
Bánh tro không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan ngọ mà còn cả thời gian sau đó. Do có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút) sỏi thận… Bổ âm (tư âm, dưỡng âm) là tôn chỉ của một trường phái dưỡng sinh lớn có vị trí quan trọng trong Đông y, bởi vì cơ thể chúng ta “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”.
Bánh tro rất tốt cho sức khỏe.
Cách làm bánh tro truyền thống chấm mật mía
Dưới đây là cách làm bánh tro đơn giản được đăng trên Báo Gia Đình & Xã Hội:
Nguyên liệu cần có
– Gạo nếp cái hoa vàng ngon: 500g
– Nước tro
– Lá dong (Bánh tro sẽ ngon và chuẩn vị hơn khi bạn sử dụng lá tre để gói)
– Muối
– Mật mía
– Dây lạt buộc bánh
* Mẹo hay: Hiện nay có rất nhiều loại gạo nếp để làm bánh tuy nhiên muốn bánh tro ngon thì nhất định phải chọn nếp cái hoa vàng. Loại gạo này có hạt tròn, dẹt màu vàng nâu hơi sẫm. Chỉ khi bạn chọn nếp cái hoa vàng thì bánh mới thơm, dẻo ngon đúng ý. Bánh làm từ loại gạo này cũng tỏa mùi thơm đặc trưng khiến bạn muốn ăn mãi không ngừng.
Cách làm bánh tro truyền thống
Bước 1: Làm nước tro
Nước tro là phần vô cùng quan trọng quyết định đến thành công của món bánh tro.
Bạn sử dụng loại tro có bán sẵn đem về hòa với vôi tôi, để chừng 2 tiếng để vôi lắng xuống thì gạn lấy phần nước trong.
Chú ý, nên đổ phần nước này qua khăn lọc để loại bỏ toàn bộ các cặn bẩn còn sót lại. Nước tro vì thế cũng trong và bớt sạn.
Ngoài ra, bạn nên pha theo tỉ lệ phù hợp để nước tro không bị quá nồng mùi vôi nhé. Thường cứ 10g vôi bột sẽ pha với 1 lít nước.
Bước 2: Ngâm gạo
– Cho phần gạo nếp đã chuẩn bị đi vo thật sạch sau đó trút vào chậu nước ngâm khoảng 22 tiếng. Để biết gạo đã đạt chuẩn hay chưa, bạn chỉ cần dùng tay xiết nhẹ, nếu thấy gạo vỡ ra là được.
– Gạo đã ngâm xong, bạn vớt ra rổ cho ráo nước rồi xóc thêm 1 chút muối như thế bánh khi chín sẽ đậm vị hơn.
Bước 3: Gói bánh
– Lá dong rửa sạch, lau khô sau đó loại bỏ hết phần cuống cùng gân lá để lúc gói không bị giòn, gãy.
– Đặt lá dong vào một mặt phẳng sau đó rải gạo lên bên trên. Chú ý, nên rải gạo 1 lượng bằng 2 ngón tay là đẹp.
– Dùng tay gói mép lá với nhau, gấp vuông 2 đầu lá sau đó dùng lạt buộc bánh lại cho thật chắc. Ở bước này, bạn phải gói lạt sao cho bánh chắc, không bị rời ra.
Bước 4: Luộc bánh tro
– Xếp 1 lớp lá dong xuống dưới đáy nồi rồi lần lượt cho bánh lên trên. Đổ nước lã ngập mặt bánh và bắt đầu luộc.
Vì bánh khá nhỏ nên dễ bị nổi lên trên, khó chín đều. Bạn nên đặt vật nặng lên bên trên bánh như thế sẽ tránh được tình trạng trên.
– Bánh tro sẽ chín sau khoảng 2 – 3 tiếng luộc. Lúc này, bạn chỉ cần vớt bánh ra rồi để nguội và thưởng thức là được.
Bước 5: Thành phẩm
– Bánh tro sau khi nguội là có thể bóc ra và thưởng thức rồi. Bánh dẻo dai, thơm mềm, trong vắt. Khi ăn cảm nhận được cảm giác mát lạnh. Nhờ ngâm nước tro nên bánh có màu hổ phách cực kỳ bắt mắt.
– Bạn nên chấm bánh tro cùng với mật mía để món bánh này thêm ngon và đậm đà hơn.
Bánh tro là món bánh không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết Đoan ngọ của các gia đình. Mong rằng, cách làm bánh tro (bánh ú) mà Bếp Eva vừa chia sẻ sẽ giúp chị em tự tay làm được món bánh ngon chiêu đãi cả nhà trong ngày Tết mùng 5/5 sắp tới. Chúc bạn thành công.