Đó là chia sẻ của cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam, Philippe Troussier, trong cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2019 trên tạp chí Sofoot. Ông Troussier- GĐKT tại Trung tâm PVF lúc đó, đã có góc nhìn rất hay về bóng đá Việt Nam và Nhật Bản – ĐTQG mà ông từng dẫn dắt tham dự Copa America 1999. Dưới đây là cuộc phỏng vấn thú vị này.
Sofoot: Trong lần đầu tiên Nhật Bản tham dự Copa América vào năm 1999, ông đã dẫn dắt Samurai xanh. Ông có ngạc nhiên khi tham dự giải đấu này không?
Philippe Troussier: Có, một chút, đặc biệt là khi bạn không thuộc về lục địa được đề cập. Nhưng đó là cơ hội tuyệt vời để khám phá bóng đá Nam Mỹ, đối với cả tôi và người Nhật Bản. 20 năm trước, tôi đã sử dụng nó để hoàn thành bản đánh giá về một ĐT đã tham dự World Cup ở Pháp năm 1998. Tôi dùng Copa America này để cho mình một cơ hội cuối cùng để thực hiện dự án năm 2002.
Trên thực tế, ông đã dẫn dắt ĐT Nhật Bản tại World Cup 2002, giải đấu do Nhật Bản đồng tổ chức. Phải chăng đây là bước ngoặt bóng đá mà người Nhật chờ đợi từ lâu?
Vâng tất nhiên. Đây là những điểm số đầu tiên có được, trận thắng đầu tiên và suất đầu tiên vào vòng knock-out. Điều này cho phép bóng đá Nhật Bản được biết đến và mở ra cơ hội cho một lượng lớn cầu thủ thử sức phiêu lưu ở châu Âu, trong khi năm 2002, chỉ có Nakata chơi bóng ở lục địa già.
Ngày nay, bóng đá Nhật Bản đã được công nhận, ngay cả khi họ tiếp tục mắc những lỗi nhỏ khá ngây thơ như trận gặp Bỉ ở World Cup vừa qua (World Cup 2018 trên đất Nga – PV). Chúng ta luôn tự hỏi làm thế nào họ có thể để mất suất đi tiếp chỉ trong một giờ, khi họ đã thi đấu ở đẳng cấp cao hơn người Bỉ.
Vậy Nhật Bản có phải là hình mẫu phát triển và là nguồn cảm hứng cho bóng đá Việt Nam?
Tất nhiên. Dù sao đi nữa, đó là một mô hình mà tôi đang cố gắng xây dựng. Chúng ta không được quên Nhật Bản và Việt Nam là hai nước có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Dân số Việt Nam còn trẻ, có nhiều khát vọng và năng lượng. Kể từ khi đến đây, tôi đã cố gắng tạo dựng mối liên kết giữa hai nước, bởi vì Nhật Bản nhất định phải tham gia vào dự án của chúng tôi.
Làm thế nào để những mối quan hệ này được hiện thực hóa một cách cụ thể?
Chúng tôi đã ký thỏa thuận với Liên đoàn về các chương trình trao đổi để các cầu thủ Việt Nam có thể trải nghiệm ở Nhật Bản, cử HLV đến đó và ngược lại, hay đơn giản là nhận tư vấn. Chúng tôi có mối quan hệ rất chặt chẽ với Nhật Bản cũng như với Hàn Quốc vì cộng đồng người Hàn Quốc ở Hà Nội rất đông. Có thể nói chúng tôi có đủ điều kiện để phát triển bóng đá Việt Nam.
Hãy quay trở lại việc Nhật Bản tham dự Copa America. Điều kỳ lạ là chúng ta không còn thấy bất kỳ người Brazil nào mặc trang phục của tuyển Nhật Bản như thời của ông nữa. Họ đã biến mất ư?
Không, hiện tượng đó vẫn tồn tại. Có một cộng đồng người Nhật rất lớn ở Nam Mỹ và đặc biệt là ở Brazil (gần 2 triệu người – PV). Bóng đá Nhật Bản vốn có uy tín, các cầu thủ Brazil đã thử vận may ở Nhật Bản. Năm 2002, tôi có Alessandro Dos Santos, và tại Copa América 1999, tôi có Wagner Lopes.
Bây giờ, nghĩ rằng Nhật Bản có thể nhập tịch nhiều cầu thủ Brazil, tôi không thực sự tin vào điều đó, vì cộng đồng người Nhật vẫn còn khá khép kín. Đây là một quy trình khá nhạy cảm ở các nước như Nhật Bản hay Việt Nam.
Ngược lại, Qatar dự định áp dụng quy trình này cho World Cup 2022 mà nước này sẽ tổ chức trên sân nhà.
Qatar đã sử dụng quy trình này nhiều lần. Tôi biết một số điều về nó kể từ năm 2004. Khi tôi còn là HLV của ĐT Qatar, tôi đã cố gắng nhập tịch các cầu thủ Brazil chưa từng được gọi vào Selecao (Leandro, Dede và Ailton của Bremen – PV) . Vào thời điểm đó, tôi đã nhận được phản hồi bi quan từ FIFA, họ ngay lập tức nói với tôi rằng điều đó là không thể.
Ngoài sứ mệnh của mình với bóng đá Việt Nam, gần đây ông cũng lấn sân sang lĩnh vực rượu vang sau khi được thừa kế một vườn nho.
Đúng vậy, tôi được thừa kế một mảnh đất ở Saint-Emilion cách đây 5 năm từ gia đình vợ tôi. Tôi nghĩ cách để nó mang lại cho bản thân và gia đình một tài sản lớn. Tôi là con trai của một người bán thịt và tôi được nuôi dưỡng với những giá trị công việc giống như những giá trị tôi tìm thấy trong rượu vang. Tất nhiên, tôi làm việc này vào thời gian rảnh rỗi, vì với 1 ha rưỡi, tôi phải cân nhắc khá nhiều.
Thương hiệu rượu của ông, “Sol Béni”, cũng mang tên trung tâm đào tạo ASEC Mimosas ở Abidjan, trải nghiệm đầu tiên của ông ở nước ngoài.
Đúng vậy, cái tên Sol Béni nằm ở điểm giao thoa giữa hai lĩnh vực hoạt động của tôi: bóng đá và cây nho. Nó hơi giống điểm khởi đầu của một cuộc phiêu lưu của loài người được viết lần đầu tiên ở Châu Phi và đặc biệt là tại Học viện ASEC Mimosas ở Abidjan. Chính tại đó, tôi đã bắt đầu sự nghiệp huấn luyện và đi khắp thế gian của mình.
Vùng đất châu Phi này là một vùng đất may mắn, rực rỡ và huyền diệu. Nó giống một loại nhựa rực lửa đã nuôi dưỡng tôi khi tôi tiếp tục cuộc hành trình vòng quanh thế giới. Và ai biết được, có lẽ việc gắn bó với Saint-Émilion cuối cùng sẽ là đỉnh cao của cuộc hành trình dài này. Do đó, rượu cũng đưa bạn vào một cuộc hành trình, nhưng hãy cẩn thận, bạn phải uống có chừng mực đấy nhé.
Phần lớn sản phẩm của ông được bán ở Nhật Bản. Người Nhật có uống điều độ không?
Có lẽ đối với đàn ông thì không. Tôi có cảm giác như đàn ông Nhật uống rượu vì tác dụng của rượu. Trong khi đó, ngược lại, phụ nữ uống rượu có chừng mực và họ có nhiều góc nhìn hơn để có thể nói về rượu.
Trên chai rượu của ông, chúng tôi cũng tìm thấy công thức 3-4-3.
Sơ đồ 3-4-3 là hệ thống khiến tôi hạnh phúc và thành công. Tôi đã dùng hệ thống ba hậu vệ được 20 năm và ngày nay nó rất thời thượng. Chúng tôi đã chơi như vậy ở ASEC, nơi đã trở nên rất nổi tiếng nhờ nó, như Yaya và Kolo Toure, hay Gervinho. Thế hệ đẹp nhất của Bờ Biển Ngà đến từ Sol Béni. Chi tiết màu xanh của vỏ chai, nó liên quan đến Blue Samurai, màu xanh của Nhật Bản, của Marseille và của Pháp.
Có sự tương đồng nào giữa cách ông pha rượu và cách ông huấn luyện đội bóng của mình không?
Tất nhiên rồi. Hôm nay tôi đã dành 3/4 giờ nói chuyện điện thoại với cố vấn khoa học của mình. Tôi nói chuyện với ông ấy mỗi tuần để điều chỉnh mọi thứ. Thành thật mà nói, tôi thực sự thích nó vì đó là cách để tôi thoát khỏi thế giới bóng đá.
Tôi luôn giữ thái độ này, tôi là một người yêu nghệ thuật và là một người đam mê du lịch. Tôi đã 65 tuổi và tôi tìm lại được sự cân bằng nhờ rượu vang. Trong bóng đá cũng như trong rượu vang, tôi tiếp tục thi đấu và huấn luyện, bởi vì tôi luôn muốn sáng tạo. Tôi vẫn tràn ngập năng lượng, luôn có động lực làm việc với đội ngũ của mình để tìm ra những công thức mới.
Hãy cùng đi đến câu hỏi muôn thuở dành cho những người đi khắp thế giới như ông. Khi nào ông sẽ trở lại Pháp?
Gia đình tôi ở Paris và đó là nơi tôi có hai đứa con. Rõ ràng là tôi vẫn đang đi chu du khắp nơi, vẫn chưa ở giai đoạn cuối của sự nghiệp. Nhưng sẽ có thời điểm tôi muốn được gần gũi hơn với gia đình mình. Trở lại Pháp là một giả thuyết mà tôi không thể loại trừ, vì tôi hy vọng rằng sự nghiệp của mình sẽ kết thúc ở Pháp.
Tại sao không thử dẫn dắt một đội ở Ligue 1 hoặc Ligue 2, hoặc thậm chí thành lập một dự án mang tính giáo dục cao hơn nhiều tại một CLB. Hoặc thậm chí tham gia vào một ban lãnh đạo muốn chia sẻ ý tưởng của họ với tôi. Đây là một giả thuyết khả thi.