Chỉ với một tờ giấy ăn, bạn có thể biết được đâu là gạo cũ, đâu là gạo mới.
Mẹo phân biệt gạo cũ – gạo mới bằng một tờ giấy ăn
Gạo là loại lương thực quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của các gia đình. Đa số mọi người sẽ lựa chọn cách mua một lượng gạo đủ lớn để sử dụng cho cả tháng, thậm chí cho khoảng thời gian dài hơn. Khi mua gạo, bạn có thể lựa chọn loại gạo được đóng sẵn trong các bao 1kg, 2kg, 5kg, 10kg… hoặc chọn gạo rời bên ngoài và để người bán hàng đóng túi sau khi đã chọn.
Nhiều người sẽ thích cách mua gạo rời bên ngoài vì có thể được tự tay kiểm tra gạo. Giá thành của loại này cũng mềm hơn chút ít.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách kiểm tra chất lượng gạo. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, rất có thể bạn sẽ không phân biệt được đâu là gạo cũ, đâu là gạo mới.
Trong trường hợp này, bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của một tờ giấy ăn.
Bạn có thể sử dụng tờ giấy ăn để phân biệt gạo cũ, gạo mới.
Gạo cũ, thời gian thu hoạch đã lâu sẽ có hương vị và dinh dưỡng kém hơn, không có độ thơm dẻo như gạo mới. Ngoài ra, do điều kiện bảo quản, gạo cũng có thể bị biến chất, gây hại cho sức khỏe.
Để biết được đó là gạo cũ hay gạo mới, bạn hãy cho một ít gạo vào trong tờ giấy ăn. Sau đó, gói kín gạo bằng giấy và nắm chặt tay lại trong khoảng 10-20 giây. Mở giấy và đổ gạo ra ngoài. Quan sát kỹ tờ giấy. Nếu thấy tờ giấy khô ráo, sạch sẽ, chỉ có một vài vết hằn của hạt gạo và bột gạo thì đó là gạo mới. Nếu trên tờ giấy để lại các vết như vết dầu hoặc vết nước, các hạt gạo bị dính lại và không rơi ra thì đó là gạo cũ.
Sau một thời gian bảo quản, hạt gạo sẽ không còn khô ráo như ban đầu mà rất dễ bị tiết dầu. Đây là dấu hiệu để bạn phân biệt được gạo cũ và gạo mới.
Một số lưu ý khác khi chọn gạo
– Màu sắc
Khi mua gạo, bạn cần quan sát kỹ màu sắc. Đối với loại gạo trắng, gạo có màu sắc trắng sáng, hạt gạo trong là gạo mới; hạt gạo chuyển sang màu trắng ngà hoặc hơi vàng là gạo cũ. Gạo cũ thường có những hạt bị chuyển màu vàng rõ rệt.
– Độ bóng của hạt gạo
Những hạt gạo mới thường bóng mịn mờ do vẫn còn khô ráo. Trong khi đó, hạt gạo cũ tiết ra nhiều dầu hơn, bị ẩm hơn khiến nó mất đi vẻ bóng mịn, thậm chỉ có thể có lớp bột trắng đọng lại bên ngoài.
– Mùi hương
Gạo mới sẽ có mùi thơm tự nhiên. Gạo cũ để lâu có thể không còn mùi thơm hoặc xuất hiện mùi ẩm mốc.
– Độ cứng
Hạt gạo mới có xu hướng cứng, chắc. Trong khi đó, hạt gạo cũ sẽ mềm và dễ vỡ.
Sờ vào gạo mới sẽ thấy cảm giác mát lạnh, mịn màng còn gạo cũ tạo cảm giác sần sùi, hơi rít tay.