Ý chí quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng giúp Phạm Thị Diễm Phương (SN 1998), quê ở tổ dân phố Đức Liễn, phường Hồng Thái, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) vượt qua bao khó khăn để vươn lên. Cùng với kết quả học tập xuất sắc, cô gái bước đầu thành công trong công việc và cuộc sống, hiện đồng sở hữu 21 căn hộ tại nước Mỹ.
Biến khó khăn thành động lực
Trò chuyện với Phương qua điện thoại, tôi cảm nhận được nghị lực của cô gái trẻ. Với Phương, thử thách không khiến cô nản lòng mà trở thành động lực để quyết tâm hơn.
Diễm Phương luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
Bố bị bệnh qua đời khi Phương mới 2 tuổi, mẹ con cô bỗng chốc trở thành mẹ góa, con côi. Mẹ cô – bà Vũ Thị Sơ vừa làm ruộng vừa tranh thủ làm thuê, chăn nuôi để kiếm tiền nuôi con. Hoàn cảnh khó khăn đã tôi luyện cho Phương tính tự lập, siêng năng. Từ năm lớp 1, sau giờ học cô bé lại chăm chỉ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ. Sớm phải chịu cảnh vất vả nên Phương gầy gò, đen nhẻm. Phương luôn tự nhủ phải học thật giỏi để cuộc sống của hai mẹ con tốt đẹp hơn.
Từ khi còn học lớp 4 ở trường làng, Phương tình cờ được xem một chương trình giới thiệu về cơ hội học tập và làm việc ở Mỹ qua chiếc ti vi cũ phải xoay ăng – ten mỏi tay mà màn hình vẫn không hết “muỗi”. Những hình ảnh tươi đẹp về cuộc sống hiện đại, văn minh ở phương trời xa in đậm trong trí óc non nớt khiến cô bé nung nấu ước mơ một ngày sẽ được đến nước Mỹ. Lúc ấy, chưa biết sẽ phải làm như thế nào để thực hiện điều ước ấy, Phương chỉ nghĩ đơn giản mình cần học giỏi tiếng Anh. Không có tiền đi học thêm như các bạn ở trường, cô bé miệt mài tự học. Nhờ đó, Phương luôn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh và giành giải cao trong những lần tham gia cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh.
<
Diễm Phương (đứng giữa) và bạn học tại Hà Nội.
Lớp 9, Phương rời làng tự bắt xe buýt ra Hà Nội thi vào Trường THPT Chuyên ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Những nỗ lực và quyết tâm của cô đã mang lại kết quả xứng đáng: Phương thi đỗ và nhập học. Các bạn trong lớp đều có điều kiện khá giả, được học tiếng Anh từ nhỏ ở trường quốc tế còn Phương phải “tự lực cánh sinh”, tự học, tự tìm hiểu mọi thứ. Thế nhưng nữ sinh ấy chẳng bao giờ nghĩ tiêu cực về những thiệt thòi của mình mà càng nỗ lực khắc phục, phấn đấu.
Không có tiền mua sách hay đi học thêm, cô mượn sách và nhờ bạn học giỏi sửa cách phát âm. Ở ký túc xá, để tránh ảnh hưởng đến mọi người trong phòng nên từ 4-5 giờ sáng hằng ngày, mùa hè cũng như đông giá, Phương dậy sớm xuống sân trường ngồi tự luyện phát âm
Phương luôn tâm niệm, trong cuộc sống sẽ gặp vô vàn khó khăn hoặc có khi vấp ngã nhưng không nên lo lắng mà hãy biến khó khăn thành động lực để đi đến đích nhanh hơn.
Năm cuối bậc THPT, Phương là một trong 5 học sinh Việt Nam lọt vào danh sách “Thủ lĩnh trẻ thanh niên Đông Nam Á” do Chính phủ Mỹ tài trợ. Chương trình dành cho học sinh THPT của các nước trong khối ASEAN có năng lực lãnh đạo, đạt kết quả học tập xuất sắc, đóng góp tích cực cho cộng đồng và thạo tiếng Anh. Sau gần một tháng tham gia chương trình, được giao lưu, học hỏi cùng bạn bè quốc tế, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm ở nước Mỹ càng thôi thúc cô quyết tâm du học tại đây.
Diễm Phương làm nhiều việc trong thời gian du học để có thêm thu nhập.
Biết rõ hoàn cảnh của mình, Phương tìm hiểu cơ hội để đi du học mà không phải tốn kém tiền bạc. Đúng lúc đó, cô được một cựu du học sinh giới thiệu Trường Berea College (tiểu bang Kentucky, Mỹ) có chương trình học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế, trong đó mỗi năm chỉ lựa chọn một người Việt Nam. Đối với Phương, đó là cơ hội quý giá và cô không ngại thử sức. Suốt 4 tháng, Phương nỗ lực trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng, hoàn thiện hồ sơ, làm bài luận, tự tin tham gia phỏng vấn và vỡ òa niềm vui khi nhận tin báo trúng tuyển.
Suất học bổng giúp cô trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian học tại đây. Dù bận rộn học đồng thời 2 chuyên ngành Toán và Kinh tế song Phương vẫn tranh thủ làm thêm tối đa 20 tiếng/tuần theo quy định của Chính phủ Mỹ với nhiều việc khác nhau như trợ giảng, rửa bát thuê, lau dọn nhà để có thêm thu nhập.
Từ số 0 đến đồng sở hữu 21 căn hộ tại Mỹ
Tốt nghiệp đại học năm 2020 – đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Phương cũng như bạn đồng trang lứa gặp khó khăn về việc làm. Phương xin làm nhân viên cho Công ty New Western Acquisitionsmôi – hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản ở thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania).
Diễm Phương trong ngày tốt nghiệp đại học tại Mỹ.
Dù công việc này không có lương cứng, chỉ có tiền “hoa hồng” khi bán được nhà nhưng Phương cho rằng sẽ phát huy được kiến thức kinh tế từng học trong trường, phù hợp với sở thích đầu tư và khát vọng làm giàu của bản thân. Hơn nữa, công việc không cần vốn và khi giới thiệu bán được một căn hộ thì được trích phần trăm không nhỏ.
Qua tìm hiểu, Phương nhận thấy thị trường bất động sản tại Mỹ vô cùng sôi động, có nhiều nhà đầu tư từ nhiều nước trên thế giới đến đây tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh. Thời điểm đó, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người lo ngại chuyển về các vùng nông thôn sinh sống cũng làm thị trường “nóng” hơn.
Công ty của Phương chuyên bán các căn hộ cho các nhà đầu tư thay vì người mua để ở. Sau khi mua, nhà đầu tư cải tạo lại rồi cho thuê hoặc bán cho người khác. Vì thế khách hàng đều sành sỏi và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Diễm Phương trong chiếc áo dài Việt Nam tại nước Mỹ.
Không còn được trợ cấp học bổng như thời gian học đại học, sau khi nộp tiền nhà tháng đầu, trong túi cô chỉ còn 500 USD. Để có thể trụ vững ở nơi này, Phương quyết tâm phải làm tốt công việc. Tuy nhiên, tại Mỹ, rất ít phụ nữ làm môi giới bất động sản. Phương kể: “Nghề này có sự cạnh tranh khốc liệt, tôi lại là nữ nên gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, hầu hết những cuộc gọi của tôi bị từ chối. Thế nhưng tôi không bỏ cuộc”.
Dần dần, trong vô vàn lời từ chối, Phương lập một danh sách khách hàng tiềm năng. Cô ghi chú lại tất cả những nhu cầu của khách để khi có sản phẩm phù hợp là giới thiệu với họ. Sang tháng thứ hai sau khi nhận việc, Phương bắt đầu bán được nhà. Sau 3 tháng, cô trở thành nhân viên bán hàng có doanh số cao nhất công ty. Phương chia sẻ: “Hãy làm bạn với khách thay vì là người bán hàng và luôn chân thật khi giới thiệu, tư vấn sản phẩm. Tôi chú trọng công tác chăm sóc khách hàng, nắm bắt nhu cầu để tư vấn phù hợp với khả năng tài chính của khách”.
Diễm Phương (ngồi giữa) và những người bạn ở Mỹ.
Kiến thức, kỹ năng trong công việc được cô gái trẻ tích lũy tăng lên cùng với số lượng khách hàng ngày càng nhiều. Cô đã tạo dựng riêng một nhóm cộng đồng đầu tư bất động sản cho người Việt ở Mỹ. Trong thời gian này, Phương được khách hàng thân thiết giới thiệu đến làm việc tại Ngân hàng Credit One ở Las Vegas – chuyên cho vay thế chấp. Nhận thấy giá bất động sản đều tăng theo thời gian nên cô quyết định dành tiền đầu tư. Phương lần lượt mua 2 ngôi nhà, mỗi nhà trị giá 500 – 650 nghìn USD, đồng thời chung vốn với một người bạn mua 19 căn hộ liền kề.
Những căn hộ Phương đầu tư đều có vị trí đẹp và mua với giá hợp lý. Do nhiều người dân Mỹ thường thuê nhà ở thay vì mua nên hầu hết các căn hộ của Phương đều được cải tạo cho thuê dài hạn. Khắc phục nguồn vốn cá nhân hạn hẹp, khi mua những căn hộ đó, Phương vay vốn ngân hàng và hằng tháng sử dụng một phần tiền thuê nhà để trả. Lợi nhuận Phương thu được từ việc đầu tư này không nhỏ.
Cô gái vững vàng trước bao khó khăn, thử thách.
Hiện Phương là quản lý cấp cao của Công ty cho vay thế chấp – Loan Factory. Công việc chính và nghề “tay trái” – môi giới, kinh doanh bất động sản mang lại thu nhập đáng kể cho cô gái này. Cô đang triển khai xây dựng khu resort (nghỉ dưỡng) do có ngôi nhà bên bờ biển ở Las Vegas, nơi có hoạt động giải trí sôi động, đẳng cấp thế giới. Đồng thời bắt đầu dự học chương trình thạc sĩ về phát triển bất động sản ở Đại học Columbia (New York), ngôi trường được xếp thứ 2 trong số những trường đào tạo về lĩnh vực bất động sản tốt nhất tại Mỹ.
“Mang tiền về cho mẹ”
Phương tâm sự, tất cả những nỗ lực của cô trong học tập, công việc và cuộc sống xuất phát từ khát vọng thành công, kiếm tiền để lo cho mẹ. Vốn tự lập từ sớm nhưng mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là động lực phấn đấu của cô gái này. Mẹ sinh Phương khi đã gần 40 tuổi. Bao năm vất vả, khó khăn như vậy nhưng bà luôn cố gắng cho con được đến trường, động viên con học thành tài để có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo. Phương không quên hình ảnh mẹ mướt mải mồ hôi từ ruộng về lại ngập giữa đống chai lọ bẩn rửa thuê kiếm tiền nuôi con ăn học.
Diễm Phương và mẹ.
Thương mẹ, khi ở Hà Nội, cô nữ sinh không ngại chen chúc trên chiếc xe khách, những chuyến xe buýt lỉnh kỉnh tha lôi đủ thứ đồ ăn mua ở quê lên trường để tiết kiệm chi tiêu. Phương miệt mài tự học, phấn đấu đạt học bổng để trang trải chi phí sinh hoạt. Trong thời gian du học, Phương dành dụm học bổng, tiền đi làm thêm để gửi cho mẹ.
Ngôi nhà cũ ở quê của gia đình Phương năm xưa.
Năm 2021, từ Mỹ, Phương lên ý tưởng, thuê thiết kế và gửi tiền về xây cho mẹ ngôi biệt thự sang trọng trên diện tích 200 m2 thay thế căn nhà cấp bốn cũ kỹ, lụp xụp trước kia. Người dân nơi đây mừng cho người mẹ nghèo nay đã có cuộc sống đủ đầy nhờ cô con gái giỏi giang, hiếu thảo.
Phương vốn tự lập từ sớm và mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là động lực phấn đấu của cô. Thương mẹ đã vất vả nuôi mình ăn học nên cô luôn nỗ lực học tập, làm việc để thành công, lo cho mẹ cuộc sống đủ đầy.
Trước đó, năm 2020, Phương nhận tin “sét đánh” mẹ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Không thể về với mẹ vì lúc đó dịch Covid-19 đang rất phức tạp, cô gái gạt nước mắt, biến nỗi buồn, sự lo lắng thành động lực để kiếm thật nhiều tiền gửi về cho mẹ điều trị bệnh.
Cuộc sống đủ đầy của mẹ Phương nơi quê nhà.
Cách xa mẹ nửa vòng trái đất, cô tìm kiếm và liên hệ qua email với các bác sĩ giỏi trong nước chia sẻ hoàn cảnh và bày tỏ nguyện vọng của mình. Thật may mắn, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện K đã hết lòng hỗ trợ, điều trị bệnh cho mẹ Phương. Hợp thầy hợp thuốc, mẹ Phương kết thúc hóa trị, có kết quả tốt và được xuất viện sau 6 tháng. Sau khi mẹ hồi phục, Phương đón mẹ sang Mỹ sống vài tháng và đưa đi du lịch khắp nơi để mẹ vui vẻ, lạc quan, cải thiện sức khỏe.
Mẹ của Diễm Phương bên ngôi nhà đẹp – món quà con gái tặng.
Ở quê nhà, nhắc đến Phương, bà Sơ ngậm ngùi thương con gái phải trải qua tuổi thơ khốn khó và bao năm bươn trải xa nhà. Bà tự hào khi con ngày càng cứng cáp, vững vàng và vẫn giữ được cái đức, cái tâm trong sáng. Có thành công bước đầu, Phương không quên những năm tháng khó khăn trước kia bằng cách tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Hiện cô tài trợ kinh phí học tập cho một học sinh hoàn cảnh khó khăn ở Lục Ngạn để giúp cậu bé có thể chạm tay vào ước mơ giống như mình ngày xưa.
Vi Lệ Thanh
Hạnh phúc cuối đời bà lão U80: Con trai lái siêu xe Maserati gần 5 tỷ đồng đi nhặt rác cùng mẹ
Lái siêu xe đưa cha mẹ đi chơi là điều không quá xa lạ, nhưng lái siêu xe để đồng hành cùng “thú vui” tản bộ, nhặt rác của mẹ thì chắc hẳn không nhiều người con làm được.
Ảnh minh họa
Xuất hiện trong video được lan truyền trên mạng là hình ảnh một bà cụ dáng người gầy gò, đi những bước loạng choạng đến gần thùng rác để nhặt chai lọ, phế liệu. Việc người già sử dụng thời gian rảnh rỗi để nhặt rác và bán phế phẩm là chuyện bình thường trong cuộc sống.
Nhưng điều thu hút sự chú ý của cư dân mạng chính là người con trai bà lão. Anh đã đi theo bà và cố gắng giúp đỡ bằng việc bê vác, vận chuyển những túi đồ mà bà lão nhặt được vào trong cốp xe. Khi cốp xe được đóng lại, mọi người mới đứng hình nhận ra đó là một chiếc ô tô hạng sang của Ý Maserati trị giá 1,5 triệu NDT (tương đương 4.9 tỷ VNĐ).
Đoạn video được chính cháu dâu của bà cụ quay lại nhằm chia sẻ, lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống của gia đình. Cô gái cho biết thêm, bà của cô thường thích tản bộ trong xóm và nhặt nhạnh những thứ đồ như vậy nên mỗi khi bà nhặt được “báu vật” là bố chồng cô (tức con trai của bà) sẽ lái xe đến đón. Có thể thấy bố chồng cô trong video rất vui vẻ, sẵn sàng lái xe sang để cùng mẹ đi nhặt rác. Thật là một cảnh tượng đáng ngưỡng mộ!
Bên dưới video đăng tải là vô số bình luận ca ngợi về gia đình này, về người con trai và đặc biệt là bà cụ. Để nuôi dạy được một người con vừa thành đạt, vừa hiếu thảo như vậy, chắc hẳn bà cụ đã nỗ lực rất nhiều. Giờ là lúc bà được hưởng trái ngọt do chính mình tạo ra.
Con trai đi theo hỗ trợ mẹ già “nhặt rác”
Con cái hiếu thuận có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với các bậc cha mẹ. Việc nuôi dạy con cái hiểu về đạo hiếu cần được chú trọng ngay từ khi còn nhỏ, tập trung tu dưỡng vào các mặt sau.
Thứ nhất, nuôi dưỡng lòng biết ơn cho trẻ
Nhận thức của trẻ có thể được hình thành, thay đổi qua quá trình trau dồi. Ví dụ, cho trẻ nuôi thú cưng hoặc trồng một chậu hoa, để trẻ chứng kiến quá trình sinh trưởng của vạn vật, giống như cách trẻ lớn lên, và từ đó dần hình thành lòng trắc ẩn, nhân ái.
Bên canh đó, chính cha mẹ là những tấm gương cho trẻ. Trẻ con thường học và bắt chước rất nhanh, việc cha mẹ làm chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ lên chúng. Hãy thử cho trẻ học làm việc nhà hoặc đến nơi làm việc của bạn, để trẻ cảm nhận được những khó khăn cha mẹ phải đối mặt. Lòng biết ơn chính là nền tảng của lòng hiếu thảo.
Thứ hai, giúp trẻ thiết lập thế giới quan tích cực
Người có tam quan đúng đắn sẽ biết cách để hành xử, báo hiếu với cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp trẻ hình thành những nhận thức đúng đắn về thế giới xung quanh, về nhân sinh quan, tiền bạc; bồi dưỡng tam quan của trẻ, không hám lợi, không hẹp hòi, không xa rời các giá trị tích cực. Từ đó, khi lớn lên trẻ mới có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn và cư xử đạo đức luân lý.
Thứ ba, yêu thương và đồng hành cùng con trẻ
Một người nhận đủ tình yêu thương sẽ không ngần ngại trao đi tình cảm của mình. Nhưng cha mẹ cần lưu ý về cách trao đi yêu thương, sự bao bọc quá mức có thể trở thành sự nuông chiều, khiến trẻ trở thành một kẻ ích kỷ và vô ơn.
Theo Toutiao