Loại quả “lạ” này nhiều người chưa từng nhìn thấy, chưa từng nghe tên, cũng không biết hương vị như thế nào.
Dù nhiều người không biết đến nhưng đối với người dân ở Đồng Nai, Bình Dương và một vài khu vực lân cận khác, quả ngâu là một loại quả được bày bán khá phổ biến. Trong đó, quả ngâu nhiều và thơm ngon nhất phải kể đến Biên Hoà (Đồng Nai) và nó được coi là một loại trái cây đặc sản ở đây.
Trong mâm ngũ quả trưng trên bàn thờ gia tiên ngày tết của nhiều người dân ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), Tân Uyên, Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ngoài thứ không thể thiếu là bưởi Tân Triều, còn có một loại trái cây rất được ưa chuộng là ngâu.
Những năm đói kém, ngâu được mọi người xẻ đôi và dùng muỗng xúc ăn như một món lót dạ, một món lót dạ rất đặc biệt bởi sự ngọt ngào của dòng mật sánh như mật ong, mùi thơm của hương thiên nhiên và nét đặc biệt nhất của ngâu là có vị the cay như một loại tinh dầu…
Theo tìm hiểu, cây ngâu là loại cây đại mộc cao to, hoa ngâu mọc chi chít thành từng chùm tỏa hương thơm ngát, đến tầm tháng 3, hoa ngâu rụng và bắt đầu kết trái. Đến tháng Chạp hàng năm là mùa quả ngâu chín.
Trái ngâu chín tỏa một mùi thơm đặc trưng và để được lâu ngày không thua kém gì bưởi. Do đó, nhiều gia đình còn chọn lựa trưng trái ngâu trên mâm ngũ quả ngày Tết. Mùi thơm của ngâu trong mâm ngũ quả kết hợp với mùi bông vạn thọ tạo thành hương sắc độc đáo cho cái Tết Nguyên đán của một thời chưa xa lắm trên vùng đất Biên Hòa.
Trái ngâu cắt đôi ra bên trong có ruột màu hấp dẫn và hương thơm đặc biệt.
Thông thường mỗi cây ngâu rất sai trái. Trái ngâu có thể dùng ăn sống khi chín, ngoài ra trái ngâu được xem là nguyên liệu quý để ngâm rượu. Những quả ngâu chín thì sẽ được đập vỏ để ăn luôn. Ruột ngâu rất thơm và hương vị lạ, không giống bất kỳ loại quả nào.
Quả ngâu cũng có đến vài loại: ngâu sẻ: trái bằng nắm tay, vỏ mỏng, dẻo, ngon; ngâu trâu: trái bự hơn, vỏ dày và cứng. Ngon nhất và cũng hiếm nhất là ngâu giấy: vỏ mỏng, mềm, trái nhỏ và rất thơm.
Cách đây hơn 30 năm, thời ngành mía đường Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) còn đang thịnh, đến mùa ngâu nhiều ông chủ lò đường mua ngâu giấy đem về bỏ vô chảo mật đường tạo ra một món ăn ”cực ngon” chỉ dùng đãi thượng khách.
Trái ngâu có thể dùng ăn sống khi chín, ngoài ra trái ngâu được xem là nguyên liệu quý để ngâm rượu.
Quả ngâu có mùi thơm đặc biệt, do đó dân sành về rượu rất thích chọn lựa trái ngâu ngâm rượu. Trái ngâu khi chín được nướng để những múi mật nóng đều lên, sau đó đem lau sạch phần vỏ bên ngoài, đập vỡ và cắt đứt những múi mật cho vào một cái túi bằng vải trắng sạch sẽ và ngâm với rượu gạo loại ngon khoảng 50-60 độ. Mười trái ngâu có thể ngâm được từ mười lăm đến hai chục lít rượu.
Rượu ngâu khi ngâm có mùi thơm rất nồng, màu rượu có màu đỏ đậm đẹp mắt. Ngâu ngâm rượu càng lâu càng ngon, nếu dùng rượu ngâm có độ cao và ngâm đặc thì pha với soda để uống rất tuyệt vời.
Theo những người dân xứ Tân An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), để có bình rượu ngâu đúng điệu, khi ngâm phải chọn trái ngâu cứng mỏng vỏ và thơm ngọt nồng nàn.
Rượu ngâm quả ngâu không chỉ có công dụng trị nhức mỏi, đau lưng, đau bụng, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt mà còn là món quà đặc biệt của người dân xứ Tân An mỗi lần có khách quý ghé thăm.
Tới mùa, ngâu được bán khá rẻ, chỉ khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg. Người ta mua quả ngâu vừa về ăn vừa để ngâm rượu. Nếu có dịp ghé thăm Biên Hòa (Đồng Nai), chớ quên mua một ít ngâu về nếm thử bạn nhé!